Bà Vũ Thị Lý (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) đang tỉa rau, chăm sóc rau cho vụ mới |
Mặc dù vậy, để triển khai đại trà ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn từ giá thành đầu tư đến tâm lý của người nông dân. Huyện đang nỗ lực khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học công nghệ vào sản xuất.
* Tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng
Thế mạnh của Xuân Lộc là sản xuất nông nghiệp nên việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp cho nông dân tăng năng suất, đạt chất lượng cao, tạo nên thương hiệu lớn, xây dựng tốt thị trường tiêu thụ nước ngoài và phát triển thị trường trong nước.
HTX Rau an toàn Lộc Tiến ở xã Xuân Hiệp là đơn vị trồng rau sạch có tiếng ở H.Xuân Lộc. Cao điểm, HTX này có hơn 40 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 50ha, mỗi tháng cung cấp ra thị trường vài trăm tấn rau ăn lá các loại. Để tận dụng lợi thế từ việc sản xuất rau sach, HTX đã vận động thành viên chuyển sang chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Quá trình chăm sóc, các thành viên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và đầu tư nhà màng, nhà lưới để cách ly sâu bệnh. Từ 5 năm trước, toàn hộ diện tích rau sạch của HTX đạt chứng nhận VietGAP. Hiện HTX có hơn 20ha trồng rau xà lách gai, mỗi ngày cung cấp từ 2-5 tấn rau đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Ứng dụng công nghệ nhà màng (nhà kính) trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích, từ việc tăng cường sản xuất đến quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Nhà vườn dễ dàng kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng theo nhu cầu của cây trồng, giúp tăng cường sản xuất. |
Tại xã Xuân Thành (H.Xuân Lộc), anh Nguyễn Tiến Lực đang sở hữu 3 nhà màng trồng dưa lưới. Anh Lực cho biết, bước đầu anh gặp không ít khó khăn khi trồng dưa lưới, do thổ nhưỡng đất nghèo dinh dưỡng, hơn nữa dưa lưới rất dễ bị sâu bệnh gây hại. Vì vậy, anh đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và sử dụng bầu giá thể để trồng dưa lưới để hạn chế sâu bệnh cho dưa, đồng thời đầu tư hệ thống nhà màng giúp phòng, chống sâu bệnh. Nhờ hệ thống nhà màng được đầu tư quy chuẩn và chăm sóc tốt, dưa lưới đạt năng suất cao, mỗi năm cho thu hoạch 3 đợt nên gia đình anh có thu nhập khá ổn định.
Tương tự, đại diện HTX Rau sạch Trường An Vũ Văn Rựa cho hay, ông và các xã viên đã xây dựng nhà kính được khoảng 9 năm, dù chi phí để đầu tư xây dựng khá cao. Từ khi sử dụng nhà màng, việc kiểm soát môi trường đã có thể tạo ra điều kiện để trồng cây quanh năm, tăng cường năng suất và thu nhập, giúp phòng tránh thời tiết không thuận lợi, nhà kính giúp bảo vệ cây trồng khỏi thời tiết cực đoan như: lạnh, mưa lớn, gió mạnh…
* Khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Mặc dù có nhiều ưu điểm song để triển khai rộng rãi đối với người nông dân nói chung, các HTX nói riêng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó đầu tư nhà màng, vẫn còn nhiều rào cản. Đầu tiên là chi phí đầu tư lớn để xây dựng và duy trì sử dụng, đặc biệt là các hệ thống công nghệ cao. Đồng Nai cũng có nền nhiệt lớn quanh năm nên quản ý nhiệt độ trong nhà kính cũng là một thách thức đối với nông dân. Ở đây, việc quản lý chất lượng đất có thể trở nên phức tạp và đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Chính vì thế, chưa có nhiều đơn vị ứng dụng hệ thống nhà màng vào sản xuất nông nghiệp một cách đại trà.
Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc), trên địa bàn xã mới có HTX Trường An sử dụng công nghệ trong trồng trọt, còn các nông hộ khác vẫn còn áp dụng các phương thức thủ công do không đủ vốn đầu tư, rủi ro cao.
Chị Vũ Thị Lý (ngụ ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) cho hay, gia đình chị không đủ kinh phí lắp đặt hệ thống nhà màng và trước nay vẫn canh tác theo lối cũ. Mặc dù không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập nhất định cho gia đình nên việc đầu tư nhà màng phải chờ đến giai đoạn sau.
Xuân Lộc là một trong 4 huyện được chọn thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Riêng Xuân Lộc là địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Thời gian qua, huyện đã và đang nỗ lực khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học công nghệ vào sản xuất. Theo đó, địa phương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi… Đặc biệt, thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với những cơ chế hỗ trợ thì người nông dân cũng dần bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới.
Trong đó, Hội Nông dân H.Xuân Lộc thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện và các cơ quan chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp cho người nông dân tiếp cận và liên kết, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Huyền Trang