• Tranh cãi về AI giả giọng nói

    3 năm trước
    Sau video deepfake, AI giả giọng nói đã đến giai đoạn chín muồi khiến nhiều người lo ngại về những tác động tiêu cực bên cạnh ứng dụng thực tiễn của nó.

Theo The Verge, giờ đây mọi người có thể dùng AI giả giọng nói của mình với thao tác đơn giản, nhanh gọn. Chỉ cần nói liên tục vào micro trong tối thiểu 30 phút, AI sẽ xử lý dữ liệu đó trong khoảng vài giờ. Sau đó, người dùng chỉ cần nhập nội dung cần nói vào khung hội thoại, "bản sao" sẽ nhắc lại với giọng nói gần như giống hệt bản gốc, đến mức người thân và bạn bè không nhận ra.

Công nghệ này đã xuất hiện và phát triển vài năm gần đây nhờ trí tuệ nhân tạo nhưng chưa được nhiều người biết đến. Trước đây, giọng nói nhân tạo được làm ra bằng cách ghi lại giọng của người lồng tiếng rồi cắt ra thành những âm thanh nhỏ lẻ và nối lại để tạo thành từ mới. Giờ đây, mạng thần kinh nhân tạo có thể sinh ra giọng nói từ những dữ liệu chưa được sắp xếp. Dù chất lượng chưa hoàn hảo, cách này vẫn nhanh, tiện lợi và đưa ra giọng nói chân thực hơn.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng có thể tạo ra bản sao giọng nói như thật. Ảnh: Veritone

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng có thể tạo ra bản sao giọng nói như thật. Ảnh: Veritone

Kỹ thuật làm giả giọng nói không quá đặc biệt nên đã có nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ này, từ các ứng dụng chỉ tập trung vào giọng nói nhân tạo như Respeecher, Resemble.AI cho đến công ty lớn như Veritone, Descript.

Công nghệ này được xem như một ứng dụng mới lạ của AI, nhưng cũng gây tranh cãi về vấn đề đạo đức và lo ngại về hệ luỵ nghiêm trong của nó. Hồi tháng 7, phim tài liệu về đầu bếp Anthony Bourdain gây tranh cãi về mặt đạo đức do nhà làm phim dùng AI để giả giọng vị đầu bếp quá cố.

Đến tháng 8, công ty Sonantic công bố đã tạo ra bản sao giọng nói của Val Kilmer. Sau khi điều trị ung thư vòm họng, giọng nói của nam diễn viên này đã bị thay đổi. Khác với tình huống của Bourdain, công chúng ủng hộ và khen ngợi AI trong trường hợp này.

Trước đó, vào tháng 4/2020, rapper Jay-Z kiện kênh YouTube Vocal Synthesis vì dùng AI nhái giọng rap của mình. Kênh Vocal Synthesis thậm chí bắt chước giọng Barack Obama và Donald Trump như một trò đùa, nhưng lại khiến nhiều người e ngại. "Liệu tuyên bố chiến tranh của Thủ tướng Canada mà bạn nghe qua đài phát thanh là thật? Hoặc đơn giản là người đàn ông đang nói chuyện qua điện thoại hỏi về mật khẩu email có đúng là bố bạn?", HowToGeek bình luận.

Các chuyên gia công nghệ dự đoán các ứng dụng cung cấp dịch vụ AI giả giọng sẽ phát triển mạnh những năm tới. Những startup trong lĩnh vực này hy vọng người nổi tiếng sẽ sử dụng công nghệ để sao chép và cho thuê giọng nói nhằm tăng thu nhập.

Veritone vừa tung ra dịch vụ cho phép người nổi tiếng dùng giọng AI của mình cho những mục đích như thu radio mà không cần đến trường quay. Những ứng dụng tương tự vẫn chưa phổ biế,n nhưng gần đây, Bruce Willis đã cho phép hình ảnh deepfake của mình được dùng trong quảng cáo tại Nga. Điều này mở ra hy vọng cho tương lai của bản sao giọng nói điện tử.

Bên cạnh lợi ích của giọng nói nhân tạo đối với người nổi tiếng, công nghệ này còn nhiều ứng dụng khác trong thực tế. Có thể trong tương lai sẽ có những trò chơi dùng chính giọng của người chơi để lồng tiếng. Những cha mẹ bận rộn có thể để giọng nói nhân tạo kể chuyện cho con khi không ở cạnh. Mặt khác, nhiều người lo ngại nguy hiểm tiềm ẩn tương tự công nghệ deepfake. Nhiều kẻ lừa đảo đã dùng giọng nhân tạo để giả vờ làm giám đốc điều hành hay nhà cung cấp hàng hóa, lừa các công ty lớn chuyển hàng triệu USD cho mình.

Mỹ Quyên (theo The Verge)

Mỗi chiếc máy tính có thể giúp hàn gắn một vết đứt gãy giáo dục trong đại dịch Covid-19, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ tương lai tiếp cận kho tri thức mở. Quỹ Hy vọng báo VnExpress phát động chương trình “Máy tính tặng em” với mục tiêu trao 3.300 máy tính đến các em nhỏ khó khăn. Bạn có thể tìm hiểu và ủng hộ tại đây.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Model.articleInfo.Field_1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO