• Thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp

    một năm trước
    Trước xu thế thay đổi nhanh chóng của xã hội và xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong tỉnh cũng bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng sâu hơn các thành tố quá trình chuyển đổi số (CĐS). Để thúc đẩy, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và CĐS, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các chính sách, theo đó mục tiêu là từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của DN và hình thành cộng đồng DN số trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có gần 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết là các DN truyền thống, quy trình kinh doanh thường dựa trên kinh nghiệm hơn là hệ thống. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của công nghệ hiện nay buộc các DN phải cải cách và tối ưu hóa quy trình, đồng thời cần có những điều chỉnh kinh doanh để tiến tới một nền tảng cao hơn. Nếu các DN không muốn bị bỏ lại phía sau thì phải tự tìm hướng đi phù hợp; trong đó, CĐS là một xu thế tất yếu, hướng đi hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế số, để bắt đầu CĐS trong doanh nghiệp không nhất thiết phải làm điều gì quá to lớn mà có thể thực hiện ngay những giải pháp mang tính quyết định. Đầu tiên là việc tái cấu trúc sản xuất, tinh gọn bộ máy, đồng thời ứng dụng công nghệ, số hóa, phần mềm vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó quản trị sản xuất tốt hơn và tìm kiếm khách hàng được dễ hơn. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa tỉnh Nguyễn Nhân Phượng cho biết, hiện Hiệp hội có hội viên đông đảo ở khắp các địa phương trong tỉnh nên sẽ là một trong những hạt nhân thúc đẩy quá trình CĐS trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Trong những năm tới, Hiệp hội tăng cường đổi mới hoạt động của mình, trong đó tăng cường liên kết, kết nối hội viên để nâng cao sức mạnh mỗi DN cũng như tổ chức hội. Đặc biệt, Hội sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, quản trị doanh nghiệp, CĐS về nói chuyện, phổ biến thông tin, kinh nghiệm làm cơ sở cho hội viên áp dụng một cách rộng rãi hơn.

Ứng dụng công nghệ tự động hoá thúc đẩy chuyển đổi số tại Công ty CP Bia và nước giải khát Hòa Bình (KCN Tiên Sơn).


Đơn cử như Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang (Tiên Du), là đơn vị có nhiều doanh nghiệp thành viên. Từ khi nâng quy mô sản xuất, kinh doanh lớn hơn, một trong những nhiệm vụ quan trọng phải nâng cao trình độ quản trị. Đó là điều tối quan trọng bởi chỉ có mô hình tốt mới có kết quả tốt. Để hoạt động thông suốt, phải xây dựng quy trình quản lý, quy trình phối hợp giữa các nhà máy, phòng, ban một cách phù hợp. Ứng dụng công nghệ, tự động hóa, kết nối các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất với nhau giúp doanh nghiệp vận hành một cách trôi chảy, nhờ vậy, tăng trưởng gần đây luôn đạt kết quả tốt.


Có thể khẳng định, việc CĐS là điều cần thiết và không thể đảo ngược đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quá trình ấy, DN cần được sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía nhà nước bằng việc xây dựng chiến lược phát triển chung, chính sách hỗ trợ phù hợp. Thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất đến từng bước CĐS, hình thành cộng đồng DN số là điều mà chính quyền và các cơ quan chức năng trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện.
Trước hết là mục tiêu đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Chương trình  phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu đến năm 2030: tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tăng thêm 10 đến 15 doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp KH&CN; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP... Trong đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số có thương hiệu, sản xuất công nghệ lõi, chủ lực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững, các tổ chức tài chính, tín dụng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng cho kinh doanh bền vững. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững. Cùng với đó, hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quản trị; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp như: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm. Song hành với chương trình thúc đẩy CĐS của tỉnh, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động đánh giá mức độ CĐS của đơn vị mình, từ đó đề ra lộ trình, kế hoạch phù hợp. Đây cũng là cơ sở để địa phương, đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy CĐS, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế số tại địa phương.

Copy Link
Model.articleInfo.Field_1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO