Thu hái chè tại Hợp tác xã chè Nhật Thức, xã Phục Linh, huyện Đại Từ
Năm 2023, huyện Đại Từ phấn đấu có thêm từ 5 sản phẩm trở lên đạt sản phẩm OCOP. Đến nay đã có 19 sản phẩm của 12 đơn vị đăng ký tham gia, trong đó có 4 sản phẩm đăng ký công nhận lại; 1 sản phẩm đăng ký nâng hạng sao; 14 sản phẩm mới đăng ký tham gia dự thi Chương trình OCOP.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua Đại Từ đã xây dựng và triển khai kế hoạch Chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện năm 2023; kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều việc làm cụ thể: Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhãn hiệu, bao bì sản phẩm điện tử cho trên 40 sản phẩm (gồm sản phẩm trà, cam và bưởi) của 30 đơn vị; hỗ trợ đưa lên quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Vỏ sò, Shopee, Larada 25/26 sản phẩm OCOP của 12 đơn vị.
Trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Đại Từ tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Từ năm 2022, huyện đã thực hiện chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP trên hệ thống phần mềm. Năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn và các đơn vị có sản phẩm dự thi thực hiện cập nhật hồ sơ để chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phẩn mềm chấm điểm. Đồng thời với đó, huyện đã triển khai hỗ trợ tư vấn, cấp mã số vùng trồng sản xuất chè tại các xã Hoàng Nông, Tân Linh, Văn Yên, Mỹ Yên, Lục Ba, Phú Lạc và tư vấn giới thiệu cho một số hộ dân áp dụng công nghệ số, tưới tự động trong sản xuất chè và rau, quả. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp đồng thời là cơ sở để các tập thể, cá nhân hoàn thiện các tiêu chí đăng ký dự thi, phân loại sản phẩm OCOP.