• Người Việt lại kéo nhau 'đào' tiền ảo Pi

    2 năm trước
    Nhiều người quay trở lại "đào" Pi sau khi có các tin đồn rằng tiền ảo này sắp có giá trị quy đổi, dù nhà phát triển chưa công bố.

Từng tham gia "đào" Pi đầu năm nay, Thanh Lâm (TP HCM) đã xóa ứng dụng sau khi có gần 1.000 đồng Pi mà không thể sử dụng. Mỗi ngày anh phải mở ứng dụng để "điểm danh" và nhận Pi, nhưng giá trị của tiền ảo này bằng 0 khiến anh mất kiên nhẫn. Đến đầu tháng 12, nghe thông tin về việc Pi Network sắp khởi chạy chính thức và số tiền ảo có thể có giá trị, anh tải lại ứng dụng với hy vọng sẽ quy đổi được chúng ra thành tiền thật.

"Có thành viên trong nhóm khẳng định đồng Pi sẽ lên sàn tiền số vào cuối tháng 12. Mỗi đồng giá sẽ có giá 314 USD. Tôi cũng hy vọng vậy nên quay lại và chờ hết tháng này xem sao", Lâm nói. Anh được giải thích con số 314 USD là do "trùng với số Pi và đội ngũ phát triển Pi Network thích số này".

Cũng nghe tin đồn tương tự, Thu Hằng (Hà Nội) còn rủ người thân cùng đăng ký tài khoản, tham gia "vòng tròn bảo mật" để đào Pi nhanh hơn. "Chúng tôi tranh thủ đào Pi vì giờ chúng còn miễn phí và cũng không tốn nhiều sức. Tôi nghe nói trong một tháng tới, muốn sở hữu Pi sẽ phải mua rất nhiều tiền", Hằng cho hay

Số đồng Pi trong điện thoại sẽ tự động tăng sau khi người dùng đăng ký tài khoản và bấm khai thác mỗi ngày. Ảnh: Lưu Quý

Số đồng Pi trong điện thoại sẽ tự động tăng sau khi người dùng đăng ký tài khoản và bấm khai thác mỗi ngày. Ảnh: Lưu Quý

Việc khai thác tiền ảo Pi như Lâm và Hằng đang làm thực chất là vào ứng dụng hàng ngày, bấm nút "khai thác" và số đồng Pi trong ví sẽ tự động tăng. Do đơn giản, nhiều người đổ xô vào "đào" Pi với suy nghĩ có thể giàu mà cũng không mất gì. Dự án từng gây sốt tại Việt Nam đầu năm nay, nhưng sau đó chìm dần khi hàng loạt tiền ảo với cơ chế tương tự xuất hiện. Đồng Pi sau nhiều tháng vẫn có giá trị bằng 0 khiến nhiều người bỏ cuộc.

Tuy nhiên gần một tháng nay, lượng người tham gia Pi Network tại Việt Nam tăng nhanh trở lại. Quản trị viên của một nhóm đào Pi cho biết từ giữa tháng 11, lượng người tham gia trao đổi về Pi tăng mạnh. Nhiều tin đồn xuất hiện như Pi sẽ có giá vài chục đến vài trăm USD, có những nhóm đang âm thầm thu mua Pi, Pi sắp được niêm yết trên sàn lớn nhất thế giới, đội ngũ Pi tham gia triển lãm tiền số... Mỗi bài viết như vậy thu hút hàng nghìn lượt tương tác trong các hội nhóm.

Thống kê của Similarweb tháng 11 cho thấy, tỷ lệ truy cập vào website của Pi Network từ các địa chỉ IP trong nước tăng 58%, đưa Việt Nam đứng thứ tư toàn cầu về lượng truy cập đến website này.

Ứng dụng Pi Network từ vị trí ngoài top 100, trong tháng 11 vươn lên thứ 7 trên Play Store và thứ 13 trên App Store Việt Nam về số lượt tải, theo Similarweb. Một ứng dụng liên quan khác là Pi Browser cũng nằm trong số các ứng dụng xu hướng trên hai kho này. Đến ngày 9/12, Pi Network trở thành ứng dụng đứng đầu trong hạng mục Mạng xã hội trên Android Việt Nam.

Mới đây Pi Network thông báo trên Twitter về kỷ niệm 1.000 ngày ra đời và khẳng định đã thu hút 29 triệu người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển không chia sẻ thông tin về việc triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án.

Ứng dụng Pi Network được tải nhiều trở lại tại Việt Nam.

Ứng dụng Pi Network được tải nhiều trở lại tại Việt Nam.

Theo Võ Phiên, quản trị viên nhóm Pi Network Việt Nam với hơn 100 nghìn thành viên, người dùng quan tâm Pi có thể do tin dự án này sắp chạy "mainnet". Trong lĩnh vực tiền số và blockchain, mainnet chỉ giai đoạn khởi chạy chính thức một mạng lưới, sau giai đoạn thử nghiệm (testnet). Sách trắng của dự án Pi Network không đưa ra lộ trình cụ thể của giai đoạn mainnet. Tuy nhiên, ứng dụng này đề nghị người dùng thực hiện KYC (xác minh danh tính) trước 24/12 khiến nhiều người cho rằng giai đoạn này sắp diễn ra.

"Đội ngũ phát triển Pi từng tuyên bố sẽ chạy mainnet vào cuối 2021. Nếu họ giữ lời, giai đoạn này sẽ được thực hiện trong vòng 20 ngày tới. Có thể nhiều người thấy thông tin này nên quan tâm đến Pi trở lại", ông Phiên nhận định.

Tuy nhiên, thông tin về giá trị quy đổi của Pi có thể là tin giả. Ông Phiên cho biết, giá trị của Pi phụ thuộc vào tổng lượng Pi lưu hành cũng như vốn hóa đổ vào thị trường, trong khi hiện chưa ai biết về những con số đó, nên các dự đoán về giá của đồng Pi không có cơ sở.

Quản trị viên này cũng xác nhận đang có tình trạng tin giả, lừa đảo trong các hội nhóm về Pi. Điển hình là chiêu lừa mua tài khoản Pi, nhưng thực chất là chiếm tài khoản Facebook, do tài khoản Pi gắn liền với tài khoản mạng xã hội.

"Cần lưu ý Pi hiện vẫn có giá trị bằng 0 và cũng cấm mua bán trao đổi. Nếu có người nhận mua Pi, khả năng cao là lừa đảo. Pi Network cũng sẽ xóa tài khoản nếu phát hiện hành vi này", ông Phiên cho biết.

Pi Network ra đời từ năm 2019, sau đó rộ lên và gây tranh cãi tại Việt Nam từ đầu năm nay. Bên ủng hộ cho rằng Pi Network giúp người dùng có thể kiếm tiền điện tử miễn phí mà không tốn công sức. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định Pi thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain. Nền tảng không công khai mã nguồn, không có lộ trình phát triển, còn ứng dụng trên smartphone yêu cầu nhiều quyền truy cập danh bạ của người dùng.

"Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì", chuyên gia blockchain Đăng Minh Tuấn chia sẻ hồi tháng 2.

Lưu Quý

Copy Link
Model.articleInfo.Field_1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO