• Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước để chống lạm quyền, lộng quyền

    3 năm trước
    Kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực là một yêu cầu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Sáng 29/11, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Định hướng xây dựng, hoàn thiện, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

Nhiều đổi mới, tiến bộ

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong hơn 35 năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ rõ rệt.

Cụ thể là, hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên…

Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước để chống lạm quyền, lộng quyền
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trong quá trình hội nhập, cùng với việc nội luật hoá, hệ thống pháp luật của chúng ta đã từng bước khắc phục được sự khác biệt, xung đột và trở nên tiệm cận gần hơn với các điều ước quốc tế.

Quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao. Kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều vụ việc làm sai, làm trái pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh lớn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ…

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo; một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; có tính khả thi không cao; tình trạng “luật ống”, “luật khung”…

Tình trạng trên đây do một số nguyên nhân, trong đó có, việc bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực và sự chế ước lẫn nhau giữa các quyền này.

Từ khâu dự thảo cho đến khâu ban hành vẫn còn những kẽ hở tạo điều kiện cho việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của các ngành, cơ quan, đơn vị…

Đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được. Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa "dĩ hoà vi quý".

Vẫn có xu hướng lạm quyền

GS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII cho rằng, sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước là một yêu cầu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền (giao quyền) cho Nhà nước để triển khai những hoạt động vì lợi ích chung của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tiễn vận hành quyền lực cho thấy, chủ thể nắm giữ quyền lực, dù quyền lực tự thân hay quyền lực được ủy quyền vẫn luôn có xu hướng lạm quyền hoặc lộng quyền. Chính vì thế, vấn đề mấu chốt trong tổ chức nhà nước pháp quyền là làm sao nhân dân không bị mất quyền sau khi ủy quyền.

Vì vậy, theo ông Lý cần phải thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực mà bắt đầu từ việc phân công cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện quyền lực thống nhất...

GS Phan Trung Lý chỉ ra thực tiễn phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp có một số bất cập.

Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước để chống lạm quyền, lộng quyền
GS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII. Ảnh: L.S

Cụ thể như cơ chế phân công trách nhiệm giữa các chủ thể trong quy trình lập pháp có phần chưa thực sự rành mạch, rõ ràng. Việc ủy quyền của Quốc hội cho các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn trong không ít trường hợp chưa rõ về giới hạn phạm vi và mức độ ủy quyền...

Không để bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”

TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, tư duy xây dựng pháp luật của chúng ta đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tiến bộ, trong đó có những thay đổi mang tính đột phá.

Ông dẫn chứng việc chuyển từ “tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (và chỉ dành riêng quyền tự do kinh doanh đó cho công dân) sang “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (và dành cho tất cả mọi người).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, không gian hoạt động kinh doanh, đầu tư của người dân, doanh nghiệp từ “trong khuôn khổ do pháp luật quy định” sang không gian rộng lớn hơn nhiều, thỏa sức sáng tạo, chỉ ngoại trừ những ngành, lĩnh vực pháp luật cấm.

Đi kèm với đó là việc Nhà nước không cố gắng tìm ra các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh để “cho phép” người dân, doanh nghiệp tiến hành đầu tư, kinh doanh…

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Cương nhìn nhận, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cần tiếp tục được cải cách và hoàn toàn có thể được cải cách.

Thực tế cho thấy, nhiều quy định về đất đai, đăng ký tài sản, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ dữ liệu cá nhân, các quy định điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quy định về giải quyết tranh chấp thương mại… đang rất cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước để chống lạm quyền, lộng quyền

Đề cập đến mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”, có thu nhập cao, ông Cường nêu kinh nghiệm quốc tế giai đoạn 1960 - 2008, hàng trăm quốc gia có khát vọng vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đều “mắc kẹt”, bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và chỉ có 13 quốc gia/vùng lãnh thổ được xem là thành công.

“Kinh nghiệm quốc tế ấy gợi ý rằng, trên tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, Việt Nam cũng phải tìm cách để không bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, ông cảnh báo.

Theo TS Nguyễn Văn Cương, điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu Việt Nam xây dựng được thể chế phát triển có chất lượng cao cùng một bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị thực sự hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, là nhân tố thúc đẩy phát triển.

Thu Hằng

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO