Grab Holdings Ltd. đã công bố lợi nhuận đầu tiên trên cơ sở điều chỉnh. Đây là một cột mốc quan trọng đối với công ty cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á sau cả thập kỷ ra mắt và cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư về tiềm năng thu nhập của mình.
Khoản lỗ của Grab trong quý đã giảm xuống còn 99 triệu USD, từ mức 342 triệu USD một năm trước. Điều này được thúc đẩy bởi việc giảm chi phí lãi vay ròng, tổn thất giá trị hợp lý đối với các khoản đầu tư và chi phí bồi thường dựa trên cổ phiếu.
Anthony Tan, đồng sáng lập và CEO của tập đoàn Grab cho biết trong một tuyên bố: “Tiến bộ phía trước của chúng tôi vẫn tập trung vào việc cải thiện hiệu quả thị trường, xây dựng các dịch vụ tốt hơn và giá cả phải chăng hơn cho người dùng cũng như trao quyền cho hàng triệu đối tác tài xế hàng ngày trên nền tảng của chúng tôi phát triển”.
Cổ phiếu Grab đã tăng 6,3% trong phiên giao dịch tại New York ngày 9/11, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ ngày 23/8, sau khi Grab cho biết thu nhập được điều chỉnh trước lãi vay, thuế và khấu hao đạt 29 triệu USD trong quý tính đến tháng 9. Các nhà phân tích dự kiến thu nhập trung bình là 9,5 triệu USD.
Công ty có trụ sở tại Singapore đã mở rộng nhanh chóng khắp Đông Nam Á kể từ khi thành lập vào năm 2012, dẫn đến thua lỗ ngày càng lớn khi liên tục tung ra khuyến mãi “khô máu” để thu hút tài xế và khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như GoTo Group và Sea Ltd. Tăng trưởng chậm lại đã khiến công ty phải tập trung vào lợi nhuận và kiểm soát chi phí – vào tháng 6 họ cho biết sẽ cắt giảm hơn 1.000 việc làm.
Doanh thu tăng 61% lên 615 triệu USD trong quý, chậm lại so với mức ba con số trong những năm qua do khách hàng trong khu vực hạn chế chi tiêu để đối phó với lạm phát và lãi suất tăng cao. Nhu cầu đang tăng với tốc độ chậm hơn khi cơ sở khách hàng của Grab mở rộng và do người tiêu dùng ít sẵn sàng trả tiền cho sự tiện lợi của việc gọi xe và nhận đồ ăn giao đến tận nhà trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức.
Khả năng sinh lời, ngay cả trên cơ sở điều chỉnh, là một bước tiến lớn trong nỗ lực của Grab nhằm chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ có thể kiếm tiền. Dù dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, Grab vẫn chưa đạt được thu nhập ròng do buộc phải tiếp tục chi tiêu để chống lại các đối thủ như GoTo của Indonesia.
Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng trong số các mục tiêu tiếp theo của Grab là dòng tiền tự do dương mà công ty dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm 2024. Ông cho biết, tổng giá trị hàng hóa trong hoạt động kinh doanh di động của Grab, hay tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra, sẽ đạt mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Grab cũng cho biết khoản lỗ cả năm đã điều chỉnh sẽ là 20 triệu đến 25 triệu USD, nhỏ hơn mức 30 triệu đến 40 triệu USD mà họ dự báo vào tháng 8. Số lượng người dùng giao dịch hàng tháng trên nền tảng của Grab đạt mức cao nhất mọi thời đại là 36 triệu.
Cổ phiếu của Grab, từng là một trong những công ty khởi nghiệp hot nhất Đông Nam Á, đã giảm khoảng 2/3 giá trị kể từ khi công ty này lên sàn thông qua một công ty “séc trắng” (blank-check) của Mỹ vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, cổ phiếu của họ đã ổn định trong năm nay khi khoản lỗ của công ty thu hẹp lại, vượt trội so với cổ phiếu của các đối thủ chính trong khu vực.
Vào tháng 6, Grab cho biết họ sẽ cắt giảm hơn 1.000 việc làm trong đợt sa thải lớn nhất kể từ đại dịch, một dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư đối với công ty trong việc cắt giảm chi phí hơn nữa. Đối thủ Sea và GoTo đã loại bỏ hàng nghìn việc làm vào năm ngoái. Grab cũng đã bổ sung các sản phẩm như đăng ký dịch vụ gọi xe và giao hàng để thu hút nhiều người dùng hơn.
Vào tháng 9, Grab được cho là đang muốn mua một phần hoạt động của Delivery Hero tại Đông Nam Á, bao gồm cả thương hiệu Foodpanda. Nếu thỏa thuận xảy ra, Grab sẽ phải vượt qua sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý ở Đông Nam Á.
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore đã đưa ra quan ngại về kế hoạch mua lại Trans-cab của Grab sau khi tiến hành đánh giá sơ bộ.