Theo Bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), hiện nay, Việt Nam đứng vào nhóm 25 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng. Để phấn đấu đứng trong nhóm 20, nhóm 10 nước đứng đầu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp chuyển đổi số, trong đó quan trọng nhất là tạo lập niềm tin số cho người sử dụng. Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi chúng ta chuyển các hoạt động lên không gian mạng, việc tăng niềm tin về bảo mật thông tin sẽ góp phần tăng niềm tin số, tăng niềm tin số sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời, giúp cho việc xây dựng nguồn dữ liệu số, một công cụ quan trọng để thực hiện các biện pháp công nghệ, giúp phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.
Hiện nay, trên môi trường số, nguy cơ lộ, lọt thông tin khiến nhiều người lo ngại. Nhiều trang web, ứng dụng trong giao dịch trực tuyến hoạt động trái phép đã tìm cách lừa đảo người dùng bằng nhiều hình thức như: gửi tin nhắn, đính kèm đường dẫn (link) các trang web lừa đảo, mạo danh; gửi email kèm thông tin dẫn dụ nhằm lấy cắp thông tin cá nhân. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có hơn 97 nghìn tài khoản của người sử dụng bị lộ, trong đó có khoảng 2.000 tài khoản thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2021, đã có hơn 3.000 tên miền lừa đảo, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra các giải pháp chủ động xử lý hàng nghìn trang web lừa đảo, mạo danh ngân hàng, nhà mạng đơn vị tài chính. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái tín nhiệm mạng để giúp người sử dụng có thể chủ động kiểm tra lại các trang web, các đường link được gửi tới họ khi làm việc trực tuyến. Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Trần Quang Hưng cho biết, khi truy cập hay phát hiện một trang web lừa đảo, người dân có thể gửi cảnh báo ngay qua hệ sinh thái tín nhiệm mạng (https://tinnhiemmang.vn) để cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ chuyên gia công nghệ xử lý.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thật sự bứt phá.
Hiện, 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai đề án đô thị thông minh. Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới. Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đã tăng 16% và đạt quy mô hơn 14 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 được dự đoán là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử ước đạt 52 tỷ USD. Trong xu thế chung đó, đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp chúng ta tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia. Trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong chuyển đổi số, cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng số làm cơ sở để triển khai các dịch vụ số.
Việt Nam đang đứng thứ 56 trên thế giới về hạ tầng số. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển internet kết nối vạn vật (IoT), thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh… Đồng thời, việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở nông thôn, miền núi còn hạn chế.
Hạ tầng số là nền tảng căn bản để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo chiến lược đã xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Dự thảo đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về hạ tầng số, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao và giá cả phù hợp; trong đó sẽ phủ sóng băng rộng cố định và di động tới tất cả thôn, bản; phủ sóng 5G vào năm 2022; đặc biệt, sẽ phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành và mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang.
Để đạt mục tiêu đặt ra, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Công nghiệp công nghệ số; xây dựng cơ chế chính sách phát triển internet kết nối vạn vật; các hạ tầng về định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia.