• Định danh cuộc gọi cần được mở rộng ra nhiều cơ quan, doanh nghiệp

    11 tháng trước
    Nhận định việc định danh cuộc gọi sẽ góp phần hạn chế tình trạng mạo danh các cơ quan, tổ chức, song các chuyên gia cũng cho rằng để hiệu quả thì số lượng đơn vị gắn tên định danh (brandname) số điện thoại cần chiếm đa số.

Nhiều giải pháp để xử lý tình trạng lừa đảo trực tuyến

Kể từ ngày 27/10, tất cả số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Văn phòng Bộ, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Các cuộc gọi của các doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đã hiển thị tên định danh của doanh nghiệp. Ví dụ như, tên định danh VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel; FPT SHOP của nhà mạng FPT, LOCAL của nhà mạng ASIM hay VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone.

W-cuoc-goi-dinh-danh-1-1-1.jpg
Bộ TT&TT đã tiên phong định danh các số điện thoại của các đơn vị hay tương tác với người dân. (Ảnh: TH)

Việc Bộ TT&TT và các nhà mạng gắn tên định danh cho các số điện thoại có tương tác với người dân là một giải pháp góp phần giải quyết tình trạng các đối tượng thực hiện cuộc gọi mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Biện pháp này sẽ được Bộ TT&TT tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Trong kết luận hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 9 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã chỉ đạo Cục Viễn thông dự thảo văn bản đề nghị các bộ, ngành khác như Công an, Tòa án, Ngân hàng... thực hiện việc gắn tên định danh cho các số điện thoại của cơ quan mình có liên hệ, giao dịch với người dân.

Bên cạnh đó, trước tình trạng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi của các hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ TT&TT đã chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp khác.

Cụ thể, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm; theo dõi, giám sát và chuyển nhà mạng xử lý các phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn; chỉ đạo các nhà mạng thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo...

Đặc biệt, thực thi quy định quảng cáo chính danh, trong các tháng đầu năm nay Bộ TT&TT đã cấp gần 3.700 tên định danh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại, nâng tổng số tên định danh đã cấp cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu quảng cáo lên hơn 13.500.

Các đơn vị của Bộ TT&TT là Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin cùng các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực và chuyển hơn 30.000 phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

Cần thiết mở rộng cơ quan, tổ chức định danh số điện thoại

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đánh giá cao việc Bộ TT&TT và các nhà mạng tiên phong gắn tên định danh các số điện thoại tương tác với người dân, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Giám đốc kinh doanh Callio phân tích: Vấn nạn lừa đảo đa phần đến từ một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ TT&TT, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông… gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân.

“Tuy nhiên, để việc làm này thực sự hiệu quả đối với người dân, cơ quan quản lý cần phải có sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa không chỉ tới các doanh nghiệp mà còn cả những người dân ở vùng sâu vùng xa, hay những người lớn tuổi - đối tượng chủ yếu của vấn nạn lừa đảo qua mạng hiện nay”, ông Nguyễn Nguyên Hùng nói.

W-cuoc-goi-dinh-danh-2-1.jpg
Giám đốc kinh doanh Callio Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng, việc định danh cuộc gọi khi tương tác với bên ngoài cần thiết mở rộng ra cả các doanh nghiệp ở một quy mô nhất định. 

Ông Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng, việc gắn tên định danh cho số điện thoại không nên chỉ dừng lại ở nhân rộng ra nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước khác; mà còn cần mở rộng ra cho cả các doanh nghiệp ở một quy mô nhất định.

Các tổ chức có quyền lực hay một vị thế nhất định trong xã hội sẽ dễ dàng là mục tiêu bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện cuộc gọi lừa đảo.

Vì thế, việc nhân rộng ra các tổ chức này cần thiết trở thành yêu cầu bắt buộc với các cơ quan bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp có uy tín để tránh tạo ra kẽ hở cho các tội phạm mạng khai thác.

Đại diện đơn vị phát triển phần mềm quản lý kinh doanh tập trung Callio cũng đề xuất việc cơ quan quản lý có các chính sách để ngăn chặn việc các tổ chức sử dụng tên định danh sai mục đích.

Một giải pháp khác là cơ quan quản lý có thể tự đứng ra hoặc phối hợp với công ty công nghệ  để đưa ra một ứng dụng giúp nhận diện, khuyến nghị các số lừa đảo, spam được người dân, bộ phản ánh, tương tự như nền tảng TrueCaller hiện nay.

 Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NCS nhấn mạnh: Việc định danh cuộc gọi sẽ góp phần hạn chế tình trạng mạo danh cơ quan tổ chức.

Tuy nhiên, để hiệu quả thì số lượng tổ chức, cơ quan sử dụng tên định danh phải nhiều hơn số lượng cơ quan, tổ chức không dùng. Bởi lẽ, nếu vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức chưa định danh số điện thoại, người dùng sẽ rất khó để nhớ là tổ chức nào đã có brandname, tổ chức nào chưa.

“Việc định danh cuộc gọi cần phải thực hiện nhiều cơ quan như Công an, Tòa án hay cơ quan thuế. Cùng với cuộc gọi định danh, để giải quyết triệt để vấn nạn lừa đảo, cơ quan chức năng còn cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như chấn chỉnh tình trạng SIM rác, tài khoản ngân hàng rác và nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân", ông Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO