Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng trong đường dây giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua internet. (Ảnh Việt Hương) |
Tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bốn đối tượng gồm: Phạm Minh Quỳnh (SN 1995, trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế), Phạm Ngọc Phong (SN 1992, trú quận Hà Đông, TP Hà Nội), Nguyễn Quốc Bảo (SN 1992, trú huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và Cấn Minh Phương (SN 1993, trú huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là các đối tượng sử dụng điện thoại hoặc tài khoản Zalo gọi điện, nhắn tin giả danh nhân viên ngân hàng và gửi đường link trang web giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của gần 700 người. Trước đó không lâu, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cũng đã triệt phá đường dây giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng đăng bài viết lên mạng xã hội với nội dung cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, sau đó đề nghị bị hại chuyển tiền làm hồ sơ, bảo hiểm khoản vay…
Nắm bắt được thông tin nhiều người có nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm ăn, kinh doanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Chị N.T. Linh (trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) kể lại, chị nhận được lời mời kết bạn của một người giới thiệu là nhân viên ngân hàng trên mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian trò chuyện, người này khẳng định có thể giúp chị Linh vay 100 triệu đồng với lãi suất chỉ 4%/năm.
“Người này nói với tôi đây là lãi suất chỉ dành cho người nhà của các nhân viên ngân hàng. Ngoài ra, khi vay tiền tôi còn được tặng một thẻ tín dụng và được miễn phí thường niên. Sau khi gửi ảnh chụp giấy tờ cá nhân và một triệu đồng thanh toán một số phí, tôi nhận được phong bì chuyển phát nhanh có cả hợp đồng vay vốn và thẻ tín dụng. Sau đó, tôi chuyển thêm một triệu đồng phí bảo hiểm khoản vay. Tuy nhiên, sau đó tôi phát hiện thẻ tín dụng và hợp đồng đều là giả và biết mình đã bị lừa”, chị Linh cho biết thêm.
Theo một số cán bộ ngân hàng, hiện nay, các ngân hàng đều có những quy trình rõ ràng và chặt chẽ khi xét duyệt và giải ngân khoản vay. Với các dấu hiệu bất thường như các đối tượng yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền... đến tài khoản lạ, người dân cần hết sức lưu ý.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch Lê Trọng Tấn, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cho biết, các ngân hàng chỉ giải ngân khi khách hàng có hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật và theo quy định riêng của từng ngân hàng. Hình thức vay có tài sản bảo đảm hoặc tín chấp. Không có hình thức cho vay trực tuyến mà chỉ có thể gửi yêu cầu vay vốn trực tuyến rồi sẽ có nhân viên liên hệ trực tiếp để tư vấn thủ tục.
Theo bà Lê Hồng Anh, cán bộ một ngân hàng lớn ở Hà Nội, thời gian qua, nhiều trang web, hội, nhóm trên mạng xã hội được các công ty tài chính, ứng dụng (app) vay tiền, tín dụng đen... lập ra để nhằm lôi kéo khách hàng. Qua các hội, nhóm này, nhiều đối tượng nắm được thông tin của những người cần vay vốn. Từ đó, chúng xây dựng kịch bản, giả danh nhân viên ngân hàng để nhắn tin, gọi điện cho nạn nhân để chào mời vay tiền.
Nhiều người vì không nắm rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng dẫn đến bị lừa. Cũng có trường hợp đã từng đến ngân hàng làm thủ tục vay tiền nhưng không được xét duyệt vì có lịch sử tín dụng xấu, không có nơi làm việc, thu nhập ổn định. Khi nhận được điện thoại từ nhân viên ngân hàng giả mạo, họ nhanh chóng đồng ý và rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.
Theo Đại úy Phạm Khánh Hòa, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), thời gian qua, tình trạng trộm cắp, thu thập, mua bán thông tin cá nhân diễn ra ngày một nhiều, trong khi hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Bằng những thông tin cá nhân thu thập được, các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng... gọi điện, nhắn tin, gửi email thông báo nạn nhân liên quan đến vụ án, đang bị điều tra, khởi tố; mời chào vay vốn hoặc cảnh báo khách hàng về tình trạng tài khoản ngân hàng bị đăng nhập trái phép...
Sau đó chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng lập ra, nhằm chiếm đoạt. Một số khác thì yêu cầu nạn nhân truy cập website giả mạo ngân hàng, đăng nhập vào tài khoản, thu thập các thông tin bảo mật như số tài khoản, mật khẩu, mã OTP để thực hiện các lệnh chuyển và chiếm đoạt số tiền trong tài khoản.
Các đối tượng thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin, gửi email thông qua các cuộc gọi VoIP (công nghệ truyền giọng nói qua giao thức internet), sử dụng số điện thoại ảo, sim “rác”, email giả... nhằm che giấu danh tính, dấu vết phạm tội, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi điều tra, xác minh. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên trực tiếp đến các tổ chức tín dụng để được hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. Khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý.